Tại sao chúng ta phải đi làm? Vì tiền bạc, vì đam mê hay đơn giản chỉ là hít “drama”, đủ thứ chuyện trên giời dưới biển. Làm sao để người lao động có được tâm thế đúng? Làm thế nào để chủ doanh nghiệp tạo ra được môi trường làm việc lành mạnh và đồng thời tối ưu hóa được lợi nhuận? Tất cả sẽ được giải đáp từ góc nhìn của nhà Tâm lý học - Tiến sĩ Ron Friedman hướng đến việc tạo ra một môi trường làm việc hạnh phúc và hiệu quả.
Theo một nghiên cứu thực hiện vào năm 2005, ba mươi phút sử dụng máy chạy bộ thực sự giúp nâng cao khả năng sáng tạo.
Tại sao tập thể dục giúp chúng ta có trí nhớ tốt hơn? Ratey đã tóm tắt câu trả lời như sau:
Cơ thể chúng ta được thiết kế để tập luyện mỗi ngày, và khi rèn luyện cơ thể, chúng ta cũng đồng thời rèn luyện cả trí não của mình. Trong thời kỳ đồ đá, khả năng học tập và ghi nhớ của tổ tiên loài người phát triển cùng các chức năng vận động giúp họ có thể tìm kiếm thức ăn. Quá trình này hình thành nên hoạt động của não bộ chúng ta ngày nay, đòi hỏi chúng ta vận động thì mới có thể dễ dàng tiếp thu thêm kiến thức.
Ngoài ra, tập thể dục thể thao còn có tác dụng thúc đẩy năng lực tư duy đổi mới. Theo một nghiên cứu thực hiện vào năm 2005, ba mươi phút sử dụng máy chạy bộ thực sự giúp nâng cao khả năng sáng tạo, đồng thời kéo dài hiệu ứng này suốt hai tiếng đồng hồ. Qua thí nghiệm vừa rồi, ta có thể rút ra rằng việc chạy bộ sẽ giúp gia tăng tính linh hoạt của nhận thức. Tâm trạng được cải thiện, cùng với đó là lưu lượng máu lên não được tăng lên, cả hai yếu tố kết hợp khiến cho tâm trí người chạy bộ được mở rộng và linh hoạt hơn.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Freepik. |
Phát hiện trên thu hút được sự chú ý của khá nhiều doanh nghiệp, những nơi sau đó đã cố gắng kết hợp hoạt động thể dục vào văn phòng của họ. Chính vì vậy, không bất ngờ khi tại một số công ty hiện nay, bạn sẽ thấy nhân viên tiếp tân đón chào mọi người ra vào khi đang ngồi trên quả bóng cao su lớn, hay những người quản lý, thay vì ngồi ở bàn như bình thường, họ lựa chọn làm việc trước bàn đứng nguyên cả ngày.
Một số tổ chức, ví dụ như Salo, công ty cung cấp nhân sự tài chính tại Minneapolis, thậm chí còn lắp đặt các máy chạy bộ đối diện nhau trong phòng họp để nhân viên có thể vừa chạy vừa thảo luận về kế hoạch hàng quý mà họ đang xây dựng. Tương tự, Texas Health Resources, một công ty về chăm sóc sức khỏe, cũng sắp xếp phòng hội nghị với các dãy xe đạp tập thể dục cho nhân viên thoải mái sử dụng.
Việc kết hợp rèn luyện thể dục vào nơi làm việc là một ý tưởng thú vị và độc đáo. Thế nhưng, không phải lúc nào nó cũng mang đến hiệu quả như mong đợi.
John Osborn, Giám đốc Điều hành của một trong những công ty quảng cáo hàng đầu Thành phố New York, BBDO, là một trong những người đầu tiên sử dụng bàn làm việc tích hợp máy chạy bộ, một thiết bị đã trở nên khá phổ biến hiện nay tại các văn phòng. “Tôi quyết định mua bàn làm việc tích hợp máy chạy bộ vì nghe nói nó cực kỳ tốt cho sức khỏe, giúp bạn tiêu thụ calo và kéo dài thêm tuổi thọ,” ông chia sẻ với tờ báo Ad Age.
Để duy trì động lực cho Osborn, cấp trên của ông, Tổng Giám đốc Điều hành toàn cầu của BBDO đã treo một chiếc bánh vòng socola lên trần nhà, để nó lủng lẳng ngay phía trên máy tính của ông, như một phần thưởng nhỏ mà ông sẽ được nhận nếu vững vàng duy trì thói quen tập luyện đầy tham vọng với chiếc bàn làm việc tích hợp máy chạy bộ.
Kết quả ban đầu có vẻ đầy hứa hẹn. Osborn dành gần 80 phần trăm thời gian trong ngày của mình trên máy chạy bộ và ông có dấu hiệu giảm cân. Thế rồi đột nhiên, chế độ rèn luyện này phản tác dụng.
Việc liên tục chạy bộ dần thay đổi quá trình trao đổi chất của Osborn, làm ông rơi vào trạng thái thèm ăn vô độ.
Trước khi kịp nhận ra vấn đề, ông đã tăng thêm gần ba cân.
Tuy vậy, điều khiến Osborn hoài nghi về giá trị của bàn làm việc tích hợp máy chạy bộ đó là tác động của nó đến hiệu suất làm việc của ông. “Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra mình gặp quá nhiều khó khăn để gõ những đoạn văn dài hơn một câu,” ông chia sẻ. Cuối cùng, Osborn, cùng những nhân viên kiêm vận động viên chạy bộ khác, đành rút ra kết luận đó là: làm việc đa nhiệm, kết hợp với hoạt động thể chất không phải là một phương pháp làm việc hiệu quả.
Vào năm 2009, giáo sư chuyên ngành khoa học sức khỏe Dinesh John tại Đại học Tennessee đã thiết lập một thí nghiệm để đo lường tác động của máy chạy bộ tới năng suất làm việc. Trong đó, giáo sư đã mô phỏng lại công việc văn phòng bằng cách yêu cầu người tham gia thực hiện thao tác với chuột vi tính như: nhấp chuột vào điểm cụ thể, kéo và thả hình ảnh, đánh máy đoạn văn và giải các bài toán cơ bản.
Một nửa số người tham gia sẽ được ngồi trong suốt quá trình thí nghiệm; nửa còn lại sẽ sử dụng bàn làm việc tích hợp máy chạy bộ với tốc độ chạy trung bình là 1 dặm/giờ. Kết quả thu được là, những người chạy bộ làm việc kém hơn hẳn những người được ngồi.
Tất nhiên, nếu tập luyện trong thời gian dài, người dùng bàn làm việc tích hợp máy chạy bộ có thể thích ứng với trạng thái chuyển động liên tục và lấy lại năng suất vốn có. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2014 đã tiến hành phân tích, theo dõi những người dùng bàn máy chạy bộ suốt một năm và nhận thấy rằng, nhiều người trong số họ thực sự có hồi phục lại tốc độ làm việc. Thế nhưng, hiệu ứng này sẽ không xuất hiện nhanh chóng, trên thực tế, nó diễn ra trung bình sau vài tháng kể từ lúc họ bắt đầu thói quen rèn luyện.
Cơ thể của chúng ta có giới hạn, khó có thể thực hiện nhiều hoạt động thể chất cùng một lúc, do đó, phương án hợp lý hơn đối với các công ty là tạo cơ hội cho nhân viên tập thể dục bên ngoài khu vực bàn làm việc mà vẫn bảo đảm không ảnh hưởng đến năng suất của họ.
Bình luận